Lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa thể hiện nét đẹp văn hóa, tâm linh của người dân vùng miền nơi đây. Bên cạnh đó lễ hội còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với ý nghĩa mong muốn bảo vệ hệ sinh thái, chống nguy cơ tuyệt chủng. Bạn đã từng biết đến lễ hội Cầu ngư này chưa? Hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm một nét đẹp văn hóa của nước ta nhé.
Các thông tin liên quan đến lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa
Lễ hội Cầu Ngư có nguồn gốc từ đâu? Lễ hội ra đời và tồn tại đến ngày hôm nay chắc chắn có rất nhiều câu chuyện thú vị. Do đó, lễ hội Cầu ngư được người dân nơi đây rất coi trọng, luôn luôn giữ gìn và phát triển để nét đẹp này tồn tại mãi theo thời gian.
Nguồn gốc của lễ hội Cầu Ngư ở Khánh hòa
Lễ hội Cầu ngư là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển, đặc biệt là ở vùng Nam Trung Bộ. Lễ hội này bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải. Bạn có biết ông Nam Hải là ai không nhỉ? Đó không phải tên gọi của một người mà thực ra là tên của một loài cá Voi. Sở dĩ loài cá voi ( ông Nam Hải ) này được cư dân coi trọng bởi nó có thân hình to lớn, nhưng bản chất lại rất hiền lành. Đặc biệt là luôn cứu giúp ngư dân ở biển mỗi khi họ gặp nạn. Nếu Cá Ông chết trôi dạt vào vùng biển của làng nào, thì làng đó phải tổ chức thực hiện lễ tang long trọng. Và lập Lăng thờ phụng, cúng tế nghiêm cần. Lễ tế Cá Ông hiện nay được gọi là lễ hội Cầu Ngư.
Các truyền thuyết liên quan đến lễ hội Cầu ngư
Có rất nhiều câu truyện truyền thuyết liên quan đến lễ hội Cầu ngư. Nhưng ý nghĩa chung đều là Cá ông giúp đỡ và bảo vệ ngư dân khỏi hoạn nạn.
- Trong phật giáo cũng có truyền thuyết về Ngư ông: Ngày xưa, khi Đức Phật Bà Nam Hải Quan Âm đi tuần du Hải Nam. Nhìn thấy hoạn nạn xảy ra, thuyền đắm, ngư dân chết trôi trên biển cả, ngài rất thương xót. Do đó, ngài đã lấy chiếc áo cà sa đang mặt xẻ ra làm trăm mảnh nhỏ rồi ném xuống biển khơi. Những mảnh nhỏ đó biến thành những con cá Voi khổng lồ. Từ đó, cá Voi luôn xuất hiện bảo vệ và giúp đỡ ngư dân vùng biển.
- Mỗi nơi cũng có một câu chuyện truyền thuyết riêng liên quan đến Cá ông. Như người dân ở thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Truyền tai nhau rằng, có một con phượng hoàng đẻ được hai quả trứng, một quả trong đó bị rớt xuống biển đông hóa thành cá Voi. Và quả trứng còn lại rơi xuống đất liền, một vị hòa thượng nhặt được và ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, nhiều câu chuyện khác có liên quan đến truyền thuyết Cá ông. Nhờ sự thú vị này mà lễ hội Cầu ngư luôn là niềm tự hào của cư dân biển.
Các nghi lễ tại lễ hội Cầu ngư ở Khánh Hòa
Lễ hội Cầu ngư có các nghi thức truyền thống với các nghi lễ như: Lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò bá trạo, lễ Tỉnh Sanh, lễ Tế Chánh, Thứ lễ và Tôn vương, lễ Tống na. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu từng nghi lễ này nhé.
- Lễ rước sắc là nghi lễ đầu tiên của lễ hội Cầu ngư. Theo đúng giờ quy định, Ban tế lễ, các vị hào lão và những người phụng lễ, dân làng sẽ diện lễ phục trang nghiêm, tề tựu đầy đủ tại nhà Tiền hiền để chuẩn bị vào cuộc lễ. Lễ rước sắc gồm có ba nghi thức gồm Thỉnh sắc, Rước sắc và Khai sắc. Sau này, lễ rước sắc đã được tối giản. Chỉ còn lại nghi thức Khai sắc.
- Lễ nghinh ông là một nghi thức chỉ có riêng ở lễ hội Cầu ngư. Nghi lễ này thường kéo dài khoảng hai giờ vào sáng sớm, đây là thời điểm mặt trời lên cũng như nước thủy triều lên. Đoàn thuyền tham dự vào lễ Nghinh ông được bố trí như sau: Ghe lễ – bá trạo – ghe dắt. Khi ra khơi thì chiếc ghe sắt chở đội lân dẫn đầu đoàn thuyền hành lễ. Ghe lễ đi chính giữa và ghe bá trạo đi phía sau.
- Hò bá trạo: Đây là một trò diễn dân gian ở vùng Nam Trung Bộ. Với hình thức biểu diễn tổng hợp mang đậm tính chất sân khấu như múa, nói, hát,… Tuy đây là trò diễn nhưng được xem là nghi lễ bắt buộc chỉ có ở riêng lễ hội Cầu ngư.
- Lễ tỉnh sanh: Đây là nghi thức được thực hiện trước khi vào Tế chánh. Thực chất đây là nghi lễ xin với các vị thần linh được giết vật hiến tế. Con heo được chọn làm lễ vật hiến tế phải là heo một màu và để nguyên con.
- Lễ tế chánh: Thời điểm thực hiện lễ tế chánh là giây phút linh thiêng nhất và đây cũng là nghi lễ quan trọng nhất. Vì là nghi lễ quan trọng nên không được phép sai sót bất kỳ điều gì. Lễ tế chánh thường được thực hiện từ 10 giờ sáng đến 11 giờ trưa, tức là giờ Ngọ. Nghi lễ diễn ra trang trọng và thành kính bao nhiêu thì sẽ nhận được bấy nhiêu sự độ trì của Ông Nam Hải.
- Thứ lễ và tôn vương: Thứ lễ là nghi thực không thực hiện liên tục trong từng năm, mà ba năm sẽ được diễn ra một lần. Còn Tôn vương là nghi thức kết thúc lễ, do đoàn hát bộ thực hiện. Nghi lễ tôn vương sẽ không được có mặt của những người đang chịu tang lễ, tàn tật, mang thai.
- Lễ Tống Na là một nghi lễ cúng cô hồn biển. Địa điểm hành lễ được thực hiện ở hướng Đông trong một góc sân Lăng. Sau khi lễ hoàn tất, những tế vật sẽ được chọn mỗi thứ một chút để mang lên thuyền đưa ra thả trên biển. Đoàn đi Tống Na gồm có hai người cầm cờ hội, bốn người khiêng thuyền, hai người đi hai bên cầm sêu, theo sau đó là hai người đi sau cầm ngang. Vừa đi vừa cắm hương từ dọc Lăng Ông đến tận bãi biển. Khi đến biển thì người ta chuyển chiếc thuyền lên một chiếc ghe để đưa ra khơi hạ thủy, như tiễn các vong hồn về với biển, cũng như gửi chút lòng thành của người dân biển đến những vong hồn không đến được với Lễ hội Cầu Ngư. Kết thúc các nghi lễ đó, tất cả mọi người quay lại lăng làm lễ hoàn mãn.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa. Thật tự hào vì đất nước ta có những di sản văn hóa đáng bảo tồn như lễ hội Cầu ngư. Nếu một lần được trải nghiệm và tham gia vào lễ hội Cầu ngư thì chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được sự đặc sắc của nơi đây. Rất mong rằng lễ hội sẽ được gìn giữ mãi mãi, để những thế hệ sau biết được tấm lòng của ngư dân với biển cả.